Làm sao để truyền cảm hứng làm việc cho nhân viên?

Thực tế cho thấy, một công ty sẽ có được bước đột phá vượt bậc khi nhân viên của họ thực sự được truyền cảm hứng khi làm việc. “Cảm hứng” là một khái niệm khá mơ hồ nhưng nó chính là nguồn động lực ở bên trong mỗi người, tác động trực tiếp tới tư duy, tinh thần và hành vi. Cảm hứng có thể mang tới nguồn năng lượng tích cực cho sự sáng tạo và hứng khởi khi làm việc. Hãy thử tưởng tượng một ngày bạn đến công ty mà không có chút cảm hứng làm việc nào hay nói một cách đơn giản là “không có hứng làm việc” thì kết quả công việc của bạn sẽ ra sao? Chắc hẳn sẽ không quá khả quan.
Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà lãnh đạo chính là truyền được cảm hứng làm việc cho nhân viên. Không chỉ những CEO hay trưởng phòng lớn, ngay cả khi bạn chỉ là leader của một team, bạn cũng cần biết cách truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Khiến bản thân trở thành một biểu tượng của sự ngưỡng mộ và tin tưởng
Có rất nhiều khía cạnh trong việc truyền cảm hứng ví dụ: Sự thành công trong công việc, phong cách sống, phong cách làm việc… Nhưng đặc điểm chung, người có thể truyền cảm hứng cho người khác là người thực sự được ngưỡng mộ và tin tưởng.
Để đạt được sự ngưỡng mộ từ cấp dưới, nhà lãnh đạo trước hết phải có được những thành tựu nhất định. Giống như câu nói “Khi bạn đã thành công thì bạn nói gì cũng thành có lý”. Bạn cần có nền tảng để xây dựng niềm tin trong mọi người.

Trở thành một biểu tượng của sự ngưỡng mộ giúp truyền cảm hứng tới nhân viên tốt hơn
Tất nhiên, khi việc trở thành những CEO lừng lẫy đầy cảm hứng như Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg còn tốn nhiều thời gian thì việc trở thành một nhà lãnh đạo với tầm nhìn, tư duy sắc bén, một đầu tàu luôn khiến mọi nhân viên tin tưởng đi theo là mục tiêu có thể đạt được.
Nhà lãnh đạo cũng nên lựa chọn những thế mạnh sắc bén của bản thân chứ không chỉ đơn thuần là những điểm mạnh chung chung để truyền cảm hứng cho nhân viên. Ví dụ một trưởng phòng marketing có thế mạnh trong việc xây dựng thương hiệu, sẽ truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhân viên trong việc trau chuốt hình ảnh và tác phong làm việc chuyên nghiệp của bản thân.
Kiến tạo những chiến dịch/ hành động tạo cảm hứng
Khi Howard Schultz trở lại vị trí Giám đốc điều hành của Starbucks sau gần 8 năm gián đoạn, ông nhận ra rằng trải nghiệm cà phê dành cho khách hàng hiện nay đã bị lu mờ. Để theo kịp tốc độ tăng trưởng, các công thức cà phê hầu hết đều được tự động hóa và đa dạng hóa khiến Starbucks trở nên mờ nhạt trên thị trường. Schultz đã quyết định phải hành động để cải cách công ty. Vào ngày 26 tháng 2 năm 2008, ông đã quyết đoán cho đóng cửa 7.100 cửa hàng ở Mỹ trong vòng ba giờ để huấn luyện lại các nhân viên pha chế nghệ thuật chế tạo espresso.

Những hành động truyền cảm hứng giúp nhân viên làm việc hăng say hơn
Trong hành động mang tính tượng trưng cao này, ông mang lại những cảm hứng mới cho nhân viên trong việc củng cố và nâng cao trải nghiệm cafe dành cho khách hàng. Chính làn gió mới này đã mang tới bầu không khí mới cho kinh doanh và thúc đẩy nhân viên làm việc hăng say.
Qua ví dụ trên ta có thể thấy, việc chỉ đi theo những lối mòn cũ không thể mang lại những thay đổi mang tính chiến lược. Việc tạo nên những chiến dịch, hành động tạo tiền đề cho những thay đổi tích cực và mang lại cảm hứng làm việc mới là điều vô cùng quan trọng.
Đồng hành cùng nhân viên như một người bạn, người thân
Hiện nay vẫn còn khá nhiều những tranh luận xung quanh việc nên hay không có ranh giới giữa sếp và nhân viên? Nhưng hãy đặt vào tình huống giả định, bạn sẽ có xu hướng noi gương theo những người thân thuộc hay xa lạ? Bạn đặt niềm tin vào người gần gũi với bản thân hay kẻ xa cách? Câu trả lời tất nhiên là người thân thuộc và gần gũi với bản thân.

Sếp và nhân viên càng có gắn kết càng dễ truyền cảm hứng hơn
Khi mối quan hệ gắn kết giữa nhà lãnh đạo và nhân viên trở nên gần gũi và thân thuộc, việc truyền cảm hứng sẽ trở nên đơn giản hơn. Nhà lãnh đạo hoàn toàn có thể phát huy sức ảnh hưởng của mình để thúc đẩy hành vi của nhân viên hướng tới mục đích mong muốn. Một nhóm nhân viên được truyền cảm hứng sẽ lan truyền cảm hứng làm việc cho nhóm nhân viên khác. Từ đó, tinh thần lao động được nâng cao và năng suất công việc được cải thiện đáng kể.
Có một câu nói dành cho mọi nhân viên như sau: “Chọn sếp chứ đừng nên chọn việc”! Một nhà lãnh đạo tốt là người sẽ truyền cảm hứng để nhân viên của mình bứt phá trong công việc và mở khóa mọi tiềm năng của nhân viên. Do vậy, một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng không những là một biểu tượng của sự ngưỡng mộ trong lòng nhân viên, một người kiến tạo nên những điều không tưởng mà còn là một người bạn sẵn sàng đồng hành lâu dài với nhân viên.
Ban đào tạo WorkPro.
Hachi.