Mách bạn cách nói “KHÔNG” trong công việc!

03/05/2022

 “Làm hộ chị phần này nhé”, “Phần này em làm quen rồi, em làm nốt hộ anh nhé”,… Trong công việc, chắc hẳn không ít lần bạn nhận được đề nghị giúp đỡ của đồng nghiệp. Những đề nghị này đôi khi khiến công việc của bạn bị quá tải và phải tăng ca khá muộn. Nhưng bạn lại ngại khi phải nói “Không” vì chưa biết từ chối sao cho khéo léo mà không làm phật lòng đồng nghiệp. Nói lời đồng ý thì dễ, nhưng để từ chối một lời đề nghị, lời nhờ vả thì lại thật chẳng dễ chút nào. Vì vậy, hãy cùng tham khảo những cách nói “không” khéo léo mà hiệu quả sau đây nhé!

Cách nói “Không” với đồng nghiệp

Nếu bạn là nhân sự trẻ tuổi trong phòng hay nhân viên mới, việc nhận được những lời đề nghị giúp đỡ sẽ khá thường xuyên. Sẽ có một số lý do khiến bạn ngại từ chối những lời đề nghị này như: Bạn sợ làm đồng nghiệp không hài lòng, rạn nứt mối quan hệ; bạn sợ từ chối lần này thì lần sau bạn sẽ khó nhờ vả; bạn muốn tỏ ra là người năng nổ và luôn sẵn sàng làm việc… 

 

Đừng thấy “ngại” khi phải nói KHÔNG!

 

Tuy nhiên, việc ôm đồm quá nhiều công việc sẽ khiến bạn bị quá tải và không còn thời gian để tập trung vào những công việc chuyên môn của mình nữa. Bạn phải tăng ca muộn và dần bị kiệt sức. Bạn bị stress và không còn yêu thích công việc này nữa. Vì vậy, hãy học cách nói “không” một cách lịch sự!

Nói “Không” một cách nhẹ nhàng và lịch sự

Thay vì tỏ thái độ khó chịu hay thô lỗ, bạn hãy trả lời ngắn gọn nhưng nhẹ nhàng thôi. Đừng nói “Không” ngay lập tức mà hãy mỉm cười và trả lời thật mềm mỏng. Nghệ thuật trong giao tiếp sẽ giúp bạn từ chối một cách khéo léo mà không làm phật lòng đối phương. Bạn có thể tham khảo các  mẫu câu từ chối sau đây:

Hãy mỉm cười và trả lời thật mềm mỏng!

 

  1. “Bây giờ em đang bận quá, để sáng sớm mai em làm luôn được không ạ?” Đối với cách từ chối này, trong trường hợp đối phương đang muốn nhờ gấp thì họ sẽ không nhờ bạn nữa. Tuy nhiên, bạn cũng đã thể hiện là bạn thật sự muốn giúp đỡ họ nhưng không thể vì đang quá bận và bạn sẵn sàng giúp đỡ họ ngay khi có thể. Do vậy, sẽ không có lý do gì để họ khó chịu với bạn.
  2. “Việc này em làm không giỏi, anh có thể nhờ bạn C thử xem ạ?” Việc gợi ý một người khác làm việc tốt hơn có thể chuyển sự chú ý của đối phương. Về lâu dài, đối phương sẽ ít nhờ vả bạn hơn.
  3. “Em đang làm việc sếp giao mà khó quá, chị giúp em phần này được không ạ? Để em làm phần kia giúp chị”. Việc trao đổi công việc và giúp đỡ lẫn nhau có vẻ không phải một ý kiến tồi. Cách này vừa giúp bạn học hỏi từ đồng nghiệp lại vừa giúp bạn được lòng đồng nghiệp khi vẫn giúp đỡ được họ.
  4. “Em thực sự muốn giúp chị, nhưng em đang phải làm phần việc có deadline lúc 11h sáng nay nên hiện tại em không làm được ạ. Em xin lỗi.” Hãy giải thích rõ ràng lý do vì sao bạn không thể giúp đỡ đối phương, sẽ không có ai quá đáng đến mức vẫn khăng khăng bắt bạn phải làm giúp họ đúng không nào?

Cách nói “Không” với Sếp

Bạn là người làm được việc và luôn được sếp tin cậy. Chính vì vậy, sếp luôn tin tưởng giao cho bạn nhiều công việc hơn, ngay cả công việc của những bộ phận bị thiếu người. Khối lượng công việc quá nhiều khiến bạn bị quá sức, nhưng bạn không dám từ chối vì sợ làm mất tín nhiệm của sếp. Bạn sẽ tiếp tục cố gắng tăng ca, hy sinh thời gian cho gia đình, bạn bè hay sẽ thẳng thắn trao đổi với sếp?

Đôi khi, chúng ta không dám từ chối vì sợ bỏ lỡ cơ hội của bản thân nhưng việc cân bằng cuộc sống giữa công việc và gia đình cũng vô cùng quan trọng. Đây có thể là lúc bạn cần nói lời từ chối.

Giải thích rõ ràng, khéo léo

Đối với lời từ chối công việc Sếp giao, bạn sẽ cần nhiều khéo léo và tinh tế hơn. Một lời từ chối không hợp lý và không giải thích rõ nguyên nhân sẽ khiến Sếp cảm thấy khó chịu và không được tôn trọng. Vì vậy, hãy dành thời gian để giải thích rõ ràng lý do mình không thể nhận việc và thể hiện thái độ thực sự muốn nhận lời nhưng “lực bất tòng tâm” –  có lòng mà không có sức. 

 

Giải thích với sếp phải  rõ ràng nhưng thật khéo léo!

 

Bạn nên chuẩn bị một bảng tiến độ hoàn thành công việc gồm các đầu mục công việc bạn đang làm và tiến độ làm việc từng hạng mục. Hãy xin hẹn một buổi trao đổi riêng cùng Sếp, trình bày khối lượng công việc bạn đang làm và giải thích lý do bạn không thể tiếp tục nhận thêm công việc khác. Trong trường hợp Sếp vẫn muốn bạn làm thêm công việc mới, hãy xin ý kiến sếp về việc nên chuyển phần công việc cũ của bạn cho ai đó khác. Chắc chắn Sếp của bạn sẽ hiểu và cùng bạn sắp xếp lại công việc một cách hợp lý nhất!

Nói “Không” khi bạn muốn!

Đôi khi, bạn nói “Không” đơn giản vì bạn muốn vậy. Ví dụ như khi bạn có một đồng nghiệp luôn thích nhờ vả và ỉ lại công việc cho bạn. Bạn giúp họ một lần, họ sẽ tiếp tục nhờ bạn lần hai. Do vậy, bạn phải nói “Không” dứt khoát trong trường hợp này. Với những người không biết điều  bạn sẽ không cần phải suy nghĩ quá nhiều trong cách từ chối, hãy trả lời đơn giản và rõ ràng: “Xin lỗi, tôi không giúp bạn được bạn việc này!”

Bạn nên nhớ rằng, đối phương là người đang cần đến sự giúp đỡ của bạn và bạn có quyền từ chối. Tuy nhiên, việc từ chối một cách khéo léo không mất lòng đồng nghiệp sẽ khiến môi trường làm việc của bạn trở nên thân thiện và dễ chịu hơn. Và cũng đừng quên rằng, bạn chỉ nên từ chối khi thực sự không đủ khả năng giúp đỡ. Vì bạn biết đấy, đôi khi chính bạn cũng cần sự giúp đỡ từ người khác đúng không nào?

 

Ban Đào tạo WorkPro.

Hachi.