Vấn nạn đi muộn, đâu là cách khắc chế đúng đắn?
“Đêm qua thức khuya làm cho xong báo cáo nên em ngủ quên mất…”
“Em thấy hơi mệt sếp ạ!”
“Xe em đang đi tự dưng chết máy, em đang dắt bộ đi tìm chỗ sửa sếp ơi”
“Hôm nay đường tắc quá ạ!”
“Em mải nghĩ việc nên đi quá bến xe ạ…”
“Báo thức máy em không hiểu sao sáng nay không kêu…”
“Con em ốm quá, cháu đỡ đỡ em mới yên tâm lên làm được nên đến hơi muộn ạ”
…
Có một thực tế là ai trong chúng ta cũng đã đều từng nói các câu trên ít nhất một lần khi đi làm muộn. Lúc thì quên đặt báo thức, khi thì vì quên đồ, lần do bận việc nhà cửa, con cái, … Đó đều là những lý do khách quan, phần nào có thể thông cảm. Nhưng bên cạnh đó, trong môi trường công sở vẫn tồn tại một kiểu nhân viên có thâm niên đi muộn, họ coi việc đi làm không đúng giờ là một thói quen hàng ngày và thậm chí có người còn lờ đi những quy định của công ty hay sự phàn nàn từ cấp trên.
Hệ lụy khi nhân viên đi làm muộn?
Để có một môi trường làm việc chuyên nghiệp thì tinh thần tự giác của mỗi cá nhân là yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức kỷ luật cao. Theo khảo sát trên 2750 công nhân Mỹ kết hợp tỷ lệ việc làm ở mỗi tiểu bang của Mattress Clarity, việc đi trễ đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 3 tỷ đô. Đây quả là con số khiến nhiều người phải giật mình, bởi lẽ việc chậm trễ giờ giấc không chỉ ảnh hưởng đến chính công việc của nhân viên mà còn làm giảm hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Tại Việt Nam, “giờ cao su” dường như đã ăn sâu vào lối sống của người dân. Có lẽ bởi vì nước ta là đất nước nông nghiệp nên chịu ảnh hưởng không nhỏ của nếp suy nghĩ theo lối sản xuất thuần nông, không quan trọng việc đúng giờ. Do đó, tác phong đúng giờ, đúng thời gian quy định của nền công nghiệp còn khá “xa lạ” với một bộ phận người dân. Hãy tưởng tượng với khoảng thời gian “bị muộn” đó, con người ta đã lãng phí biết bao cơ hội, thậm chí một quyết định hay quyết sách ra đời muộn sẽ ảnh hưởng như noà tới hoạt động của cả xã hội.
Nguồn: Internet
Đầu tiên, có thể nhận thấy rằng năng suất làm việc sẽ bị giảm nếu nhân viên đi muộn: Đi muộn có nghĩa là bạn sẽ bắt đầu công việc muộn hơn so với những người khác, như vậy, nếu khoảng thời gian bị chậm đó mà không được làm bù thì đồng nghĩa là tiến độ hoàn thành và hiệu quả công việc sẽ bị giảm đi. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong một làm việc nhóm, khi mà công việc phải hoàn thành theo thứ tự đúng tiến độ để bàn giao cho người sau làm tiếp. Ngoài ra, đi muộn còn gây ảnh hưởng đến đồng nghiệp bởi rấ có thể sự xuất hiện sau của bạn sẽ làm gián đoạn, đứt mạch công việc mà họ đang làm.
Tiếp đó, việc đi muộn có thể làm mất đi khách hàng tiềm năng: Đối với những việc làm dịch vụ, việc đi làm muộn hoặc đến muộn hơn so với giờ hẹn khách hàng là điều cấm kỵ. Việc để khách hàng hay đối tác chờ đợi sẽ gây ra sự khó chịu trong hợp tác và buôn bán, từ đó tạo ấn tượng xấu với đối phương, khiến họ có cảm giác không được tôn trọng. Nhân viên ra ngoài chính là “bộ mặt” của doanh nghiệp, vậy nên chính những hành động không chuyên nghiệp này có thể sẽ làm mất đi nhiều khách hàng tiềm năng của công ty.
Cuối cùng, việc đi muộn sẽ phá vỡ văn hóa doanh nghiệp đang cố xây dựng: Nếu một cá nhân thường xuyên đi muộn đến nỗi giờ đi muộn đó là giờ làm việc chính của họ, thì rất có thể văn hóa mà doanh nghiệp đang cố gắng hướng tới sẽ bị phá vỡ. “Gần mực thì đen”, các nhân viên khác sẽ học theo thói xấu “đi muộn” của đồng nghiệp và khiến doanh nghiệp mất đi thời gian làm quy định.
Vậy do đâu mà nhân viên lại “thích” đi muộn?
Không biết cách quản lý thời gian chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ. Hàng ngày, mỗi người đều phải tự sắp xếp và phân bổ thời gian sao cho hợp lý để có thể thức dậy đúng giờ và hoàn thành mọi công việc đúng lịch trình của nó. Thậm chí, bạn còn phải tính toán đến cả những trường hợp bất khả kháng như việc kẹt xe để ước tính thời gian đến công ty đúng giờ.
Nguồn: Cafebiz
Một nguyên nhân lớn khác khiến một số người không thể đúng giờ là do thói quen sống thiếu trách nhiệm hoặc thiếu nghiêm túc. Họ không chú trọng việc đúng giờ trong các hoạt động. Trái ngược với họ, những người có lối sống nghiêm túc và trách nhiệm sẽ luôn làm mọi việc đúng lịch trình và tuân thủ quy tắc.
Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân như trên, thì cũng cần phải nhìn nhận lại cơ chế của doanh nghiệp. Có thể, việc không rõ ràng trong xây dựng các chế tài xử lý khiến nhân viên đi muộn và đi sớm không có sự khác nhau, hay nhân viên đi muộn nhiều lần nhưng chế tài không đủ mạnh cũng khiến họ duy trì thói quen cũ mà không chịu sửa đổi hoặc cố gắng hơn. Bên cạnh đó, việc các sếp có mặt trễ ở văn phòng cũng tạo cơ hội cho nhân viên đi muộn. Lúc này, sếp sẽ khó có thể khiển trách nhân viên bởi chính mình lại không gương mẫu.
Làm gì để nhân viên thực hiện tốt việc đúng giờ?
Là quản lý thì chắc chắn sẽ không muốn nhân viên đi muộn. Nhưng phải làm sao để có thể giảm thiểu hay thậm chí là giải quyết triệt để vấn đề đau đầu này?
Trước hết, người lãnh đạo hãy tinh tế hơn trong việc xử lý bằng cách quan sát nhân viên. Đôi khi việc theo dõi sát sao, tỉ mỉ và chỉ trích công khai các thành viên đi muộn sẽ không mang lại hiệu quả mà chỉ làm ảnh hưởng tới tâm lý của nhân viên và tập thể. Thay vào đó, một câu nói “xin chào buổi sáng” từ sếp có thể khiến nhân viên ý thức được rằng sự xuất hiện của họ đang được chú ý, từ đó cũng e ngại việc đi làm muộn.
Một cuộc nói chuyện gần gũi, tìm hiểu nguyên do và lắng nghe chia sẻ, sau đó tìm cách tháo gỡ và xử lý từ người quản lý cũng sẽ khiến nhân viên thấy tâm phục khẩu phục và tự khắc phục, tránh tái phạm lại lần sau. Thay vì trách mắng hay trừng phạt, sự nhượng bộ và cảm thông sẽ khiến mọi người trân trọng và đánh giá cao hơn.
Nguồn: Internet
Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động tập thể vào mỗi buổi sáng cũng sẽ giúp nhân viên hào hứng hơn khi đi làm. Lớp yoga sáng sớm hay những buổi chia sẻ kỹ năng mềm 15 phút theo nhóm trước khi vào giờ làm là một động lực kéo “nhân viên” ra khỏi chăn ấm đệm êm ở nhà. Tương tự, công ty cũng có thể tổ chức các buổi họp hay gặp gỡ khách hàng vào các khung giờ đầu buổi sáng để nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhân viên. Thậm chí, nhà quản lý hãy cân nhắc đến việc giao cho nhân viên đi muộn những “trọng trách” của ngày mới như: chấm công, tưới cây, ….
Tuy nhiên, nếu mọi nỗ lực nhẫn nhịn và nhắc nhở không khiến việc đi muộn được cải thiện thì đã đến lúc phải nhờ đến kỷ luật. Tùy vào mức độ vi phạm mà công ty có thể đưa ra những phương án xử lý, chẳng hạn từ lần đi muộn thứ 3 trở đi, người quản lý sẽ ra một thông báo và gửi tới bộ phận nhân sự, đương nhiên cũng gửi một bản sao cho nhân viên. Hiển nhiên, sẽ chẳng có ai muốn tên của mình được nhắc đến thường xuyên trước tập thể vì những lỗi vi phạm.
Bên cạnh đó, nguyên tắc khen chê đúng lúc cũng nên được chú trọng để kích thích tinh thần làm việc và cống hiến của nhân viên. Chẳng hạn như công ty cần có chính sách thưởng thích đáng với những ai làm việc tăng ca, làm thêm ngoài giờ đạt thành tích tốt. Điều này sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực, lan tỏa đến các nhân viên khác, từ đó có nền móng vững chắc xây dựng văn hóa đảm bảo tính kỷ luật trong công ty.
Có thể thấy, việc nhân viên đi làm muộn là tình trạng phổ biến mà doanh nghiệp nào cũng gặp phải. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng biết cách giải quyết và xử lý vấn đề này sao cho khéo léo và triệt để nhất. Chính vì vậy, trách nhiệm của những người đứng đầu và lãnh đạo càng cần được đề cao trong trường hợp này.
Để được chuyên gia WorkPro tư vấn miễn phí về đào tạo doanh nghiệp/ số hóa đào tạo, hãy liên hệ ngay:
Hotline: 0246.290.1166
Email: contact@workpro.vn