Vì sao quá cầu toàn trong công việc cũng không phải là tốt?

12/05/2022

“Điểm yếu của em là quá cầu toàn trong công việc!” Chắc hẳn đây là câu trả lời được khá nhiều ứng viên sử dụng trong phỏng vấn, bởi họ nghĩ đây là một cách “khoe khéo” rằng: họ là một người luôn có yêu cầu cao trong công việc và bất cứ việc gì qua tay họ sẽ luôn chỉn chu và hoàn hảo nhất. Thực tế, nếu xét ở mặt tích cực, cầu toàn là một tính cách có thể thúc đẩy bản thân vượt qua được những giới hạn của người bình thường. Tuy nhiên, trong con mắt của nhà tuyển dụng, nếu quá “cầu toàn” lại thực sự là một điểm yếu trong công việc bởi các lý do sau đây:

Quá khắt khe với bản thân dễ dẫn đến tâm lý tiêu cực

Người cầu toàn là người luôn tự đặt ra những  tiêu chuẩn khắt khe cho bản thân và nỗ lực để đạt đến trạng thái hoàn hảo nhất. Thông thường có 2 dạng: cầu toàn lành mạnh và cầu toàn cực đoan. Người cầu toàn lành mạnh có mức độ cầu toàn thấp hơn so với người cực đoan, họ biết hạ bớt những tiêu chuẩn để đạt đến trạng “tốt” chứ không nhất thiết là “hoàn hảo”. Ngược lại, người cầu toàn cực đoan không những có những yêu cầu khắt khe với bản thân mà với cả những người xung quanh. Tuy nhiên, dù là dạng cầu toàn nào cũng rất dễ khiến bản thân mang những tâm lý tiêu cực.

Người quá cầu toàn rất dễ bị stress trong công việc

 

Ví dụ như khi làm một bản kế hoạch, đối với bạn là quá ổn rồi. Nhưng đối với người cầu toàn thì “ổn” thôi là chưa đủ mà mà phải thật “tốt”. Họ sẵn sàng đầu tư nhiều thời gian và chất xám hơn, ở lại tăng ca để hoàn thành bản kế hoạch sao cho thật chi tiết và tốt nhất có thể. Điều này không những khiến họ tốn thời gian mà còn mất cân bằng cuộc sống. Đặc biệt, khi bản kế hoạch họ cho là “hoàn hảo” lại vẫn không thể vừa ý sếp, họ rất dễ có tâm lý suy sụp và cảm giác tồi tệ trong một khoảng thời gian dài. Càng tốn công sức và càng kỳ vọng cao mà kết quả không được như mong muốn thì thất vọng lại càng lớn, đổ lỗi và tự trách bản thân càng nhiều. Đây là những tâm lý tiêu cực khiến người cầu toàn rất dễ bị stress trong công việc!

Trở thành người khó tính trong mắt đồng nghiệp

Hầu hết những người cầu toàn không chỉ yêu cầu cao với bản thân mà ngay cả đối với những người xung quanh họ cũng yêu cầu sự hoàn hảo. Mỗi khi có đồng nghiệp làm chưa vừa ý, họ có thể tỏ thái độ khó chịu hoặc nắn chỉnh lại ngay theo ý mình. Điều đó khiến họ trở thành những người khó tính trong mắt đồng nghiệp.

Một nhân viên có một đồng nghiệp cầu toàn đã than thở như sau: “Tôi thực sự khó chịu khi làm việc với anh ta. Anh ta luôn bắt mọi thứ phải thực hiện theo đúng ý của mình. Thậm chí, chỉ một chi tiết sai lệch không quá quan trọng trong bản báo cáo anh ta cũng phàn nàn và yêu cầu tôi sửa lại cho bằng được.”

Quá cầu toàn khiến bạn trở thành người khó tính trong mắt đồng nghiệp

 

Về lâu dài, các đồng nghiệp sẽ có xu hướng không muốn làm việc cùng những người quá khó tính. Điều đó có thể khiến người cầu toàn dễ bị cô lập trong môi trường làm việc.

Trì hoãn, thiếu sáng tạo, thiếu tầm nhìn

Có một sự thật là người cầu toàn luôn để ý đến từng chi tiết nhỏ nhất để khiến mọi thứ luôn được hoàn hảo. Do vậy, trước bất kể vấn đề gì, người cầu toàn cũng tốn thời gian để phân tích, đánh giá và kiểm tra hơn những người khác rất nhiều. Bên cạnh đó, họ cũng thường trì hoãn với những câu hỏi như “Như vậy đã đủ tốt chưa?” “Có cần cải thiện chi tiết nào nữa không?”… trước khi quyết định một vấn đề. 

Không chỉ vậy, việc quá tập trung vào các tiểu tiết còn khiến họ bị suy giảm khả năng sáng tạo. Đôi khi, những ý tưởng đột phá chỉ nảy ra trong chớp mắt, nhưng đối với người cầu toàn, những lo lắng về từng tiểu tiết đã chiếm hầu hết tâm trí họ, khiến họ không còn khả năng “think outside of the box” (suy nghĩ bên ngoài cái hộp – suy nghĩ đột phá). 

Tập trung cắt tỉa một cái cây mà quên mất trách nhiệm với cả khu rừng

 

Cuối cùng, một trong những điểm yếu lớn nhất của cầu toàn cực đoan chính là thiếu tầm nhìn. Quá bận rộn với việc cắt tỉa cho một cái cây, họ quên mất rằng mình phải có trách nhiệm với cả khu rừng. Bỏ ra quá nhiều nỗ lực vào việc đảm bảo từng tiểu tiết đều phải hoàn hảo nhất khiến họ không đủ thời gian và sức lực để nhìn vào bức tranh tổng thể. Đây cũng là một trong những điểm yếu khiến người cầu toàn khó trở thành một nhà lãnh đạo chân chính!

Trong cuộc sống, ta phải hiểu được rằng rất khó để đạt được sự hoàn hảo. Thay vì theo đuổi sự “hoàn hảo”, ta chỉ cần dừng ở mức “hoàn thành”. Tính cầu toàn hoàn toàn có thể thúc đẩy bạn đến sự thành công, nhưng ta cần biết tiết chế ở mức cầu toàn lành mạnh chứ không phải cầu toàn cực đoan. Đừng bao giờ để sự cầu toàn khiến bạn nảy sinh tâm lý tiêu cực, trở thành người khó tính trong mắt đồng nghiệp hay mất đi sự sáng tạo và tầm nhìn chiến lược nhé!

Ban đào tại WorkPro.

Hachi