Điều gì tạo nên tác phong làm việc chuyên nghiệp?

27/10/2021

Không chỉ có kiến thức và kỹ năng, tác phong chuyên nghiệp cũng góp một vai trò lớn quyết định sự thành công của bạn trong sự nghiệp. Vậy điều gì tạo nên những tác phong chuyên nghiệp đó?

 

Hiểu đúng về tác phong, phong cách làm việc chuyên nghiệp

Theo Từ điển Từ và ngữ Hán – Việt (Nguyễn Lân, 2002), tác phong được định nghĩa là “lề lối và cách thức làm việc và đối xử”. Phong cách là cách thức làm việc, ứng xử có những nét riêng, tạo nên đặc trưng của một chủ thể. 

Tác phong, phong cách làm việc là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa tổ chức/doanh nghiệp.Trong mọi môi trường làm việc, luôn tồn tại nhiều loại tác phong khác nhau, có tác phong được đánh giá cao, và cũng có những tác phong không được mọi người coi trọng. Trên thực tế, có thể phân ra làm hai, bao gồm tác phong làm việc chuyên nghiệp và tác phong thiếu chuyên nghiệp.

 

Tác phong làm việc chuyên nghiệp là yếu tố không thể thiếu quyết định sự thành công của mỗi cá nhân

 

Mục tiêu/đầu ra của tác phong chuyên nghiệp là đạt kết quả làm việc với hiệu suất cao, đúng kế hoạch/hợp đồng, chất lượng đảm bảo, tuân thủ pháp luật và các quy chuẩn, có đạo đức nghề nghiệp, thỏa mãn yêu cầu của khách hàng… 

Tác phong chuyên nghiệp là sản phẩm của một tổ chức mạnh, môi trường làm việc văn minh và người lãnh đạo có tâm, có tài. Ngày nay, đây được coi là một trong những tiêu chí quan trọng quyết định sự thành công của mỗi cá nhân cũng như cả tổ chức. Một khi tác phong tốt đã trở thành quy tắc ứng xử, cách thức và lề lối làm việc, sinh hoạt chung của tổ chức, thì sẽ trở thành tài sản và động lực giúp tổ chức đó hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững. Chính vì thế, dù ở bất kì vị trí nào thì mỗi cá nhân đều muốn xây dựng cho mình một thương hiệu riêng mang tên “chuyên nghiệp”.

 

Những yếu tố tạo nên tác phong làm việc chuyên nghiệp

 

Từ trước đến nay, không có ai quy định cụ thể như thế nào là một tác phong làm việc chuyên nghiệp, nhưng có những yếu tố luôn được ngầm mặc định cần phải thỏa mãn nếu một người muốn được coi là có tác phong làm việc chuyên nghiệp. Đó là những yếu tố nào?

 

– Chuyên nghiệp từ cách ăn mặc:

Cái nhìn ban đầu cho người khác một “kiến thức” tổng quát về bạn, dù chưa hiểu quá nhiều, nhưng những gì bạn thể hiện sẽ phần nào in sâu vào tâm trí họ một cách tự nhiên. Và nếu diện mạo bên ngoài chưa đủ thuyết phục người ta tiếp chuyện thì dù giỏi ăn nói, giỏi chuyên môn đến đâu, bạn cũng rất khó để tạo được niềm tin tuyệt đối, đặc biệt trong công việc, khi uy tín luôn là thứ được đặc biệt đề cao. Đó chính là lý do vì sao chúng ta cần thể hiện sự chuyên nghiệp ngay từ trong chính cả cách ăn mặc của mình.

 

Hãy thể hiện sự chuyên nghiệp ngay từ cách ăn mặc. Ảnh: Brightside.

 

Sự chuyên nghiệp trong ăn mặc không có nghĩa là lúc nào bạn cũng đóng bộ thật nghiêm chỉnh, chỉn chu từ đầu đến chân với áo vest và giày da bóng lộn, nó còn cần phù hợp với tính chất công việc của bạn. Nếu là nhân viên văn phòng và cần đi gặp đối tác nước ngoài để ký một hợp đồng quan trọng, việc ăn mặc như trên là hoàn toàn cần thiết, tuy nhiên nếu bạn là công nhân sửa chữa điện thì một bộ đồ theo đúng quy chuẩn với đầy đủ trang thiết bị bảo hộ mới là thứ mà bạn nên khoác lên mình khi tiến hành công việc. Nói cách khác, nếu phục trang và tác phong của bạn giúp thể hiện đúng vị trí, tính chất công việc, tạo được niềm tin rằng bạn sẽ đảm nhận tốt nhất vai trò của mình thì khi đó, bước đầu bạn đã thể hiện được tác phong làm việc chuyên nghiệp của bản thân.

– Tuân thủ kỷ luật lao động và các quy chế của đơn vị:

Mỗi công ty đều sẽ có những văn hóa và quy tắc riêng, vì vậy khi đến một môi trường làm việc mới bạn cần quan sát những đồng nghiệp khác ứng xử, làm việc ra sao để áp dụng cho phù hợp. Nhanh chóng thích nghi với văn hóa công ty cũng thể hiện bạn có tác phong làm việc chuyên nghiệp, luôn nỗ lực và hết mình với sự phát triển chung. 

Chẳng hạn, bạn có thể quan sát thấy mọi người trong công ty luôn đến đúng giờ trong các cuộc họp, ít buôn chuyện ngoài lề, nói nhỏ hơn khi người khác đang nghe điện thoại, hoặc gửi email cho những vấn đề không thực sự cấp bách thay vì gọi điện thoại. Đây là những tín hiệu quan trọng về những gì mà công ty, đồng nghiệp kỳ vọng ở hành vi của chính bạn. Bạn sẽ bị đánh giá là không biết “nhập gia tùy tục” nếu phớt lờ những tín hiệu đó.

– Tinh thần hợp tác tốt dù bất kể hoàn cảnh nào:

Bạn có thể là người trẻ và không có điểm chung với các đồng nghiệp lớn tuổi hơn, vì thế việc giao tiếp với họ gây khó khăn cho bạn. Hoặc đôi khi trong công việc, bạn phải hợp tác với những người mà bạn không mấy có thiện cảm. Tuy nhiên, đừng vội thấy khó mà bỏ qua, việc biết cách giao tiếp khéo léo với những người ở độ tuổi khác nhau, ở các phòng ban khác nhau, có chuyên môn đa dạng sẽ giúp bạn mở rộng được các mối quan hệ xã hội và nắm bắt được những cơ hội trong công việc. 

Trong hoàn cảnh phải làm cùng những đồng nghiệp “khó ưa”, bạn sẽ thể hiện được sự chuyên nghiệp nếu gạt bỏ được các vấn đề cá nhân, thay vào đó là thái độ tích cực, lịch sự và tập trung vào mục tiêu chung để đem lại kết quả cuối cùng là thành công cho công ty.

– Coi trọng thời gian, làm việc theo kế hoạch, đảm bảo đúng giờ:

“Nếu một việc đơn giản như đúng giờ mà bạn còn không làm được thì có phải là người đáng tin cậy để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng hơn?” Chắc chắn người đối diện sẽ đặt câu hỏi như thế này nếu phải làm việc với những người hay lỡ hẹn.

 

Luôn đúng giờ chính là nguyên tắc cơ bản để trở thành một người làm việc chuyên nghiệp. Đến đúng giờ sẽ giúp bạn tạo nên hình ảnh đáng tin cậy trong mắt đối tác và đồng nghiệp khi họ cần hợp tác với bạn trong một nhiệm vụ quan trọng nào đó. 

 

Người có tác phong làm việc chuyên nghiệp trước hết là người luôn đúng giờ.

 

Về lý thuyết thì chúng ta cần phải cố gắng để đảm bảo đúng giờ. Tuy nhiên trên thực tế, đôi khi có những tình huống bất ngờ khiến chúng ta không thể hoàn thành được công việc một cách đúng thời hạn như đã cam kết. Khi đó, thay vì im lặng để thời gian trôi và mong rằng không có ai để ý, một người chuyên nghiệp sẽ thông báo rõ ràng để đồng nghiệp/ đối tác của mình nắm được tình hình và xử lý các công việc liên quan kịp thời, tránh trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến tiến độ chung. Đây là cách giải quyết đúng đắn, và chắc chắn họ sẽ hiểu rằng bạn đã cố gắng hết sức và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm với công việc của bạn.

– Có trách nhiệm với công việc:

Thói quen làm việc hướng đến mục tiêu, có trách nhiệm và đảm bảo hiệu quả công việc luôn là tác phong không thể thiếu của một người nhân viên chuyên nghiệp. Dù bạn bao nhiêu tuổi, làm công việc gì, ở bộ phận nào thì đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công cá nhân của chính bạn cũng như tổ chức. Đó cũng chính là tiêu chí quyết định cách mà mọi người xung quanh nhìn nhận về bạn.

Cùng làm việc theo giờ hành chính, nhưng đã hết giờ làm mà công việc cấp bách vẫn chưa hoàn thành, một người chuyên nghiệp khác một người thiếu chuyên nghiệp ở chỗ, họ sẽ sẵn sàng ở lại làm thêm để hoàn thiện phần việc được giao cho kịp tiến độ dù không ai có thể ép buộc. Họ sẵn sàng bỏ qua lợi ích của cá nhân để hướng đến mục tiêu chung của tập thể. Đương nhiên, sau đó những người này sẽ phải tìm cách khác để có thể hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, không lặp lại các vấn đề phát sinh, trì hoãn trong quá trình làm việc.

– Không ngừng học hỏi và cầu tiến, không ngại khó, ngại khổ:

Một điều rất quan trọng giúp bạn khẳng định được sự chuyên nghiệp trong công việc là làm được nhiều việc hơn yêu cầu tối thiểu. Điều đó có nghĩa là bạn luôn cần tìm cách để làm việc một cách hiệu quả hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn và không ngại bắt tay vào những dự án mới dù nó khó đến đâu.

Những người có tác phong làm việc chuyên nghiệp là những người không bao giờ ngừng học hỏi. Họ luôn tò mò về những điều mới, đó là lý do tại sao họ biết rất nhiều thứ. Tất cả những kiến thức có được nhờ quá trình tìm tòi qua năm tháng sẽ giúp họ không chỉ trong công việc mà còn vô cùng hữu ích trong cuộc sống. Cởi mở và tiếp thu nhanh thông tin mới, luôn cầu tiến cũng là một đặc điểm thu hút mạnh mẽ đối với các nhà tuyển dụng vì nó cho thấy rằng bạn sẵn sàng học hỏi và phát triển trong vai trò ứng tuyển.

– Ứng xử, giao tiếp lịch sự, văn minh, phát huy tinh thần đoàn kết:

Việc ứng xử văn minh, lịch sự tại công sở được thể hiện qua những hành động dù là rất nhỏ, đôi khi đơn giản chỉ là hành động ga-lăng giữ cửa chờ người khác đang chạy vào thang máy hay giúp đỡ cô bạn đồng nghiệp xử lý lỗi từ phần mềm máy tính. Tuy không phải là những thứ to tát, nhưng những hành động đó cũng cho biết bạn là ai, văn hóa của bạn thế nào, và mức độ tin cậy của bạn ra sao. Một tập thể có những người văn hóa, lịch sự trong từng hành động sẽ luôn được đối tác đánh giá cao, ít nhất là từ những ấn tượng ban đầu.

 

Để trở thành một người có tác phong làm việc chuyên nghiệp, như đã nói ở trên, có rất nhiều kỹ năng mà chúng ta cần sở hữu. Tuy nhiên, hành trình này không phải là quá xa vời, chỉ cần ta luôn mang trong mình tinh thần cầu tiến, luôn chịu khó trau dồi, bồi đắp mà thôi.

 

Để được chuyên gia WorkPro tư vấn miễn phí về đào tạo doanh nghiệp/ số hóa đào tạo, hãy liên hệ ngay: 

Hotline: 0246.290.1166 

Email: contact@workpro.vn

Ban Đào Tạo/ Hoàng Vân.