Được giao dự án quan trọng vượt quá khả năng, đồng ý hay không?

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan” khi được sếp giao một công việc quan trọng nhưng lại vượt quá khả năng của mình. Nếu từ chối, ta sợ sẽ đánh mất cơ hội quan trọng để ghi điểm trong mắt sếp. Nhưng nếu cứ đồng ý mà cuối cùng lại không hoàn thành tốt công việc thì còn tồi tệ hơn. Vậy giải pháp là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!
Đừng nhận lời hoặc từ chối ngay lập tức
Bạn biết không, trước một dự án quan trọng dù bạn nhận lời hoặc từ chối ngay lập tức đều không được lòng sếp. Nếu bạn đồng ý ngay, sếp có thể cho rằng bạn chưa hiểu được tầm quan trọng của dự án và đang tự tin quá mức. Nhưng nếu bạn từ chối ngay lập tức sẽ khiến sếp rất khó chịu và cho rằng bạn là người không làm được việc.

Chúng ta nên xin thêm thời gian để cân nhắc về dự án
Vậy nên, vấn đề ở đây chính là thời điểm chúng ta đưa ra câu trả lời. Lời khuyên của chúng tôi là bạn nên xin sếp thêm thời gian cân nhắc và phân tích dự án. Sau đó, hãy đưa ra câu trả lời vào cuối ngày làm việc. Lúc này, bạn đã có đủ thời gian phân tích xem mình có đủ khả năng hoàn thành dự án không, cần những nguồn lực gì hoặc mông sếp hỗ trợ ra sao… Nên nhớ, bạn không nên để câu trả lời sang ngày hôm sau, có lẽ sếp bạn sẽ không đủ kiên nhẫn để chờ đợi hoặc đánh giá bạn là người thiếu quyết đoán.
Dành thời gian để phân tích các nguồn lực
Sau khi đã sử dụng kế “hoãn binh”, đây là lúc chúng ta cần phân tích những nguồn lực của bản thân và dự án. Hãy lên một kế hoạch sơ bộ cho dự án này bao gồm cả đầu công việc, thời gian, kinh phí, nhân sự… Trong từng khâu, bạn hãy ước lượng khả năng làm việc và kiểm soát công việc của bản thân. Bạn đã từng có kinh nghiệm làm hạng mục này hay chưa? Hoặc có thể áp dụng những kinh nghiệm cũ thế nào…Còn trong trường hợp bạn không có một chút kinh nghiệm nào cho dự án này? Đừng ngần ngại hỏi thăm các đồng nghiệp xung quanh.

Phân tích kỹ lưỡng các nguồn lực trước khi đưa ra câu trả lời
Sau khi đã có một bức tranh tổng thể về dự án, có lẽ bạn đã tự cân nhắc xem có cố gắng hoàn thành công việc được không hay thực sự không thể đảm đương nổi hạng mục này? Tiếp sau đây, chúng ta sẽ cùng phân tích câu trả lời đồng ý hoặc từ chối sao cho thật khôn ngoan!
Từ chối một cách khéo léo
Nếu câu trả lời thực sự là KHÔNG, bạn cũng không thể trả lời cụt lủn là “Em không làm được”. Chúng ta nên sử dụng công thức sau: Cảm ơn + Từ chối + Hy vọng. Ví dụ: “Em cảm ơn anh vì đã tin tưởng giao cho em dự án quan trọng như vậy, nhưng thực tế bây giờ em chưa kham nổi. Tuy nhiên, em tin rằng khi em tích lũy được nhiều
kinh nghiệm hơn, em sẽ có đủ năng lực để đảm đương những dự án tương tự như này.”

Từ chối cũng cần thật khéo léo
Cuối cùng, tại sao bạn không xin trở thành thành viên của dự án này để tích lũy thêm kinh nghiệm nhỉ? Bạn sẽ vừa học hỏi thêm được rất nhiều điều mới, vừa chứng tỏ với sếp rằng bạn là người ham học hỏi và cầu tiến.
Nhận dự án và đề xuất những nguồn lực hỗ trợ
Khi bạn tin rằng bạn sẽ làm được, hãy mạnh dạn đồng ý. Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn học hỏi và bứt phá. Vừa học vừa làm, tại sao không? Phần việc nào gặp khó khăn, bạn vẫn hoàn toàn có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ đồng nghiệp và từ chính sếp của mình cơ mà? Cho dù có khó khăn đến đâu, chỉ cần bạn quyết tâm và nỗ lực gấp đôi gấp ba, bạn sẽ làm được.
Nếu chúng ta luôn ở trong vùng an toàn, ta sẽ mãi là những chú cá nhỏ trong đại dương rộng lớn. Chỉ khi dám vùng vẫy để thoát lên khỏi mặt nước ta mới có thể hóa rồng. Việc dám đương đầu với những dự án khó cũng vậy, nếu bạn làm tốt, thay vì đi thang bộ như bao người khác, đây có thể là chuyến thang máy giúp bạn một bước lên mây. Đáng để mạo hiểm đúng không nào?

Hãy mạnh dạn nhận lời khi bạn tin rằng mình sẽ làm được
Tuy nhiên, để dự án có thể được triển khai một cách trôi chảy nhất, bạn đừng quên lập một bản kế hoạch chi tiết cùng danh sách các nguồn lực bao gồm cả nhân lực và kinh phí. Hãy mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ sếp của mình để có những góp ý quan trọng!
Trên đây là 4 bước xử lý khi gặp tình huống được giao dự án quan trọng nhưng vượt quá khả năng. Chúng ta nên nhớ rằng: đừng trả lời ngay lập tức mà hãy phân tích kỹ lưỡng các nguồn lực trước khi đưa ra lời từ chối khéo léo hoặc lời đồng ý đầy dũng khí. Chúng tôi tin rằng, với các bước xử lý này, bạn sẽ luôn được đánh giá là người khôn ngoan và biết nhìn xa trông rộng trong mắt sếp!
Ban đào tạo WorkPro.
Hachi.