Hệ thống quản lý học tập trực tuyến LMS là gì?

14/06/2021

Nếu đang quan tâm đến việc xây dựng hệ thống học tập trực tuyến cho doanh nghiệp mình, bạn chắc chắn không thể bỏ qua việc tìm hiểu về hệ thống quản lý học tập LMS. Vậy LMS là gì? Hãy cùng WorkPro tìm hiểu ngay sau đây nhé.

 

LMS là chữ viết tắt của Learning Management System (có nghĩa là Hệ thống quản lý học trực tuyến). Về bản chất, đây là một phần mềm ứng dụng cho phép việc quản lý, vận hành hệ thống các tài liệu, hướng dẫn, theo dõi, báo cáo và cung cấp các công nghệ giáo dục điện tử (hay còn gọi là giáo dục trực tuyến E-Learning) cho các khóa học hay chương trình đào tạo.

Hệ thống Quản lý Học tập LMS hoạt động như một lớp học ảo phục vụ cho việc đào tạo trực tuyến

 

Có thể coi Hệ thống Quản lý Học tập hoạt động như một lớp học ảo phục vụ cho việc đào tạo trực tuyến. Mục đích chính của LMS là làm cho trải nghiệm của người học trở nên thuận tiện hơn, đồng thời giúp người quản trị dễ dàng kiểm soát chất lượng khóa học cũng như tiến trình học tập của học viên. Cứ hình dung như thế này cho dễ, khi tham gia một lớp học truyền thống, học viên sẽ cần có sách và tài liệu giảng dạy, sổ ghi bài, sổ điểm danh, thời khóa biểu,… còn giáo viên sẽ cần có sổ đầu bài, sổ ghi điểm, giáo trình… Nhưng với Hệ thống Quản lý Học tập, tất cả mọi thứ sẽ được điều hành và kiểm soát trên cùng một hệ thống, đó chính là LMS.

Hiện nay, có nhiều hệ thống LMS khác nhau, và mỗi LMS sẽ có những vai trò khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu, chiến lược đào tạo trực tuyến và kết quả mong muốn của từng tổ chức. Tuy nhiên, cách sử dụng phổ biến nhất của các phần mềm LMS là triển khai và theo dõi các quá trình đào tạo trực tuyến. Thông thường, nội dung sẽ được tải lên hệ thống, giúp người học từ khắp mọi nơi có thể dễ dàng truy cập. Trong một số trường hợp, LMS thậm chí có thể tích hợp các công cụ soạn thảo eLearning, cho phép tạo và phát triển các tài liệu đào tạo trực tuyến mà không cần sự can thiệp thêm của phần mềm từ bên thứ ba.

Hệ thống quản lý học tập được xem như một kho lưu trữ lớn, bất kỳ ai có thông tin đăng nhập và mật khẩu đều có thể truy cập các tài nguyên đào tạo này bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu. Đối với Hệ thống quản lý học tập tự lưu trữ, người dùng cũng phải cài đặt phần mềm LMS trên ổ cứng hoặc có quyền truy cập vào máy chủ của công ty. Dù lựa chọn cài đặt nào, điều cần lưu ý là người dùng LMS được chia thành hai loại: Những người học trực tuyến sử dụng hệ thống để tham gia các khóa đào tạo trực tuyến; và nhóm quản trị – dựa vào nền tảng LMS để phân phối thông tin, cập nhật nội dung đào tạo trực tuyến và quản lý học viên.

Thông thường, một hệ thống LMS sẽ bao gồm nhiều chức năng, trong đó các chức năng cốt lõi bao gồm:

Chức năng quản lý lưu trữ dữ liệu số:

Chức năng này cho phép các chủ thể trên hệ thống E-Learning có thể đăng tải các khóa học cũng như các tài liệu số liên quan để hỗ trợ người học. Các dữ liệu số được đăng tải có hệ thống phân loại theo định dạng tập tin, dung lượng, theo thời gian đăng tải,…và được kiểm soát nội dung.

Chức năng bảo mật:

Đây là chức năng rất quan trọng trong hệ thống LMS, nó bảo vệ hệ thống dữ liệu của các chủ thể một cách an toàn. Hơn thế nữa, các thông tin cá nhân liên quan các chủ thể hoặc các dữ liệu liên quan đến tài chính cũng được bảo vệ.

Chức năng đáp ứng:

– Tương thích đa chủng loại thiết bị truy cập: Chức năng này hỗ trợ hầu hết các loại thiết bị công nghệ truy cập hệ thống LMS như máy tính bàn, laptop, thiết bị di động, hay máy tính bảng,… rất thuận tiện người dùng dù ở bất kỳ đâu, chỉ cần được kết nối với mạng internet.

– Băng thông đảm bảo lưu lượng người dùng truy cập vào hệ thống học trực tuyến.

Chức năng đa ngôn ngữ:

Một LMS dùng làm mục đích kinh doanh, vận hành trên môi trường Internet có thể tiếp cận một cá nhân bất kỳ tại một quốc gia nào đó trên thế giới. Cho nên, việc cho phép chuyển đổi các ngôn ngữ qua lại hoặc ít nhất là một ngôn ngữ quốc tế thường cũng đều được tích hợp vào hệ thống LMS.

Kiểm soát đăng ký:

Khả năng kiểm soát và tùy chỉnh quá trình đăng ký học trực tuyến.

Lịch:

Chức năng này thiết lập lịch cho các chương trình học tập trực tuyến như lịch học, thời hạn khóa học, lịch thi,… Người quản trị có thể tùy chỉnh thời gian cho phép học tập, thời gian công khai khóa học, thời hạn cho phép tham gia học, thời gian làm bài kiểm tra v…v

Chức năng quản lý tương tác, hỗ trợ:

Một số hệ thống LMS có thêm chức năng quản lý tương tác, hỗ trợ như sau:

– Tương tác giữa các học viên: Chức năng này cho phép các học viên có thể trao đổi thông tin, trao đổi tài liệu qua hệ thống chat, email hoặc SMS,…nhằm tương tác hỗ trợ học tập.

– Tương tác giữa học viên với tác giả: Chức năng cho phép giữa học viên và tác giả khóa học/ chương trình đào tạo có thể trao đổi thông tin hoặc đánh giá, nhận xét lẫn nhau.

– Tương tác giữa học viên, giảng viên với quản trị hệ thống: Chức năng cho phép 2 chủ thể là người cung cấp kiến thức khóa học và người nhận khóa học tương tác trao đổi với quản trị hệ thống. Các vấn đề tương tác liên quan như các quy định, chế độ,…

Chức năng thi, kiểm tra:

Chức năng này cho phép các học viên tham gia kiểm tra năng lực học tập hoặc xếp loại sau khi trải qua quá trình học, đồng thời giúp người quản trị nắm được kết quả học tập của học viên của mình. Các hình thức thi và kiểm tra phổ biến trên hệ thống LMS thường có là trắc nghiệm, nhiệm vụ tương tác thông qua game,…

Chức năng theo dõi, kiểm soát:

Chức năng này cho phép người học hoặc chủ thể trung gian quản lý người học có thể kiểm soát tiến trình học tập cũng như năng lực người học qua từng giai đoạn. Người quản trị có thể xem các loại báo cáo theo người dùng, theo thời gian, phân tích chi tiết các thông tin để từ đó điều chỉnh cho phù hợp với học viên.

 

Để được chuyên gia WorkPro tư vấn miễn phí về đào tạo trực tuyến và nền tảng học tập phù hợp, liên hệ ngay:

Hotline: 0246 290 1166

Email: contact@workpro.vn