Đào tạo nhân viên mới và 5 sai lầm phổ biến thường gặp nhất

10/07/2021

Những sai lầm dưới đây là liều thuốc độc khiến các chương trình đào tạo nhân viên mới của bạn thất bại thảm hại, không những không đem lại hiệu quả mà còn tiêu tốn vô số tiền bạc và nguồn lực của doanh nghiệp.

 

  1. Chương trình đào tạo không bám sát nhu cầu thực tế của người học

Thông thường, các chương trình đào tạo cho nhân viên mới sẽ được thực hiện bởi bộ phận nhân sự. Tuy nhiên, do không phải là người trực tiếp xử lý công việc chuyên môn nên nhiều khi những chương trình đưa ra không sát với thực tế, không những không lấp đầy được sự thiếu hụt về kiến thức cần thiết mà lại gây áp lực lên nhân viên do họ vừa phải tìm cách xoay sở để hoàn thành công việc, lại vừa phải “học những thứ không đâu”.

Thực tế cho thấy, rất nhiều nhà quản lý có quan điểm là nhân viên cần chủ động tìm tòi học hỏi nên đã bỏ mặc họ khi mới chân ướt chân ráo vào tổ chức hoặc áp đặt việc họ phải học hỏi những kiến thức và kỹ năng mới cần thiết cho công việc theo sự sắp xếp của công ty. Thực tế, thông qua thái độ, hành động và cách quản lý, nhân viên sẽ dễ dàng phân biệt được sếp có thực sự quan tâm đến họ hay chỉ coi trọng những giá trị mà họ mang lại. 

Đôi khi, các nhà quản lý đừng nên quá chú trọng vào những yêu cầu, trách nhiệm công việc mà nhân viên mới phải đảm nhận mà hãy bỏ thêm thời gian quan sát và đặt câu hỏi cho nhân viên của mình rằng “Họ cảm thấy như thế nào? Họ thực sự cần điều gì?”. Hiểu được cảm nhận của nhân viên chính là yếu tố đầu tiên quan trọng nhất trước khi bước vào các chương trình đào tạo dành cho nhân viên mới mà nhiều nhà quản lý thường bỏ ngỏ.

Bạn có thể thực hiện các cuộc khảo sát để nhân viên mới có cơ hội nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Bằng cách thể hiện sự quan tâm thật sự, họ cũng sẽ mở lòng thành thật hơn với bạn. Đó cũng là bí quyết để giao tiếp hiệu quả và giữ được sự gắn kết giữa nhân viên với tổ chức.

 

2. Quá tải số chương trình đào tạo

Trong một doanh nghiệp có nhiều vị trí công việc, mỗi vị trí đều cần những kiến thức, kỹ năng quan trọng. Tuy nhiên, không phải nhân viên nào cũng giống nhân viên nào vì có thể người này thiếu cái này nhưng người kia lại thiếu cái khác. Cùng làm ở bộ phận bán hàng nhưng nhân viên A đã có kinh nghiệm về giao tiếp với khách hàng, còn nhân viên B thì chưa. Trong trường hợp này, nếu yêu cầu cả 2 người cùng học thêm khóa giao tiếp khách hàng thì không thực sự hợp lý. Quan điểm là ai thiếu cái gì thì nên bổ sung cái đó.

Việc sắp xếp quá nhiều chương trình đào tạo sát nhau khiến nhân viên mới bị quá tải và chịu nhiều áp lực

 

Bên cạnh đó, dù công nhận rằng mỗi vị trí, phòng ban cần nhiều chương trình đào tạo về các kiến thức/ kỹ năng khác nhau nhưng việc sắp xếp quá nhiều khóa học trong một thời gian ngắn có thể khiến nhân viên bị áp lực khi song song vẫn phải hoàn thành tốt các công việc của mình trong quỹ thời gian có hạn. Điều đó khiến cho họ có tâm lý e ngại việc tham gia các khóa đào tạo.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo, hãy sắp xếp các chương trình đào tạo theo thứ tự ưu tiên (tuân theo ma trận ưu tiên): bắt đầu với những khóa học quan trọng và cần thiết nhất đối với mỗi vị trí công việc, tiếp theo là những khóa học quan trọng nhưng chưa thực sự cần thiết, những khóa học phát triển kỹ năng cá nhân, tạm thời loại bỏ bớt những khóa học ít quan trọng hơn…. Bên cạnh đó, lộ trình đào tạo cũng cần được sắp xếp hợp lý để khơi gợi nhu cầu học tập của nhân viên và nâng cao hiệu quả ghi nhớ kiến thức. Hiện tại, song song với phương pháp đào tạo truyền thống là tổ chức các lớp học trực tiếp, nhiều đơn vị đã bắt đầu sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến LMS. Hệ thống này cho phép nhân viên chủ động học tập trong khoảng thời gian  và địa điểm phù hợp, với tốc độ mà họ cảm thấy thoải mái.

 

3. Chỉ học lý thuyết mà không được thực hành, tương tác

Thực trạng nhân viên ngáp ngắn ngáp dài trong các lớp đào tạo nội bộ xưa nay không phải là chuyện hiếm, chính bởi sự thụ động trong việc tiếp thu kiến thức: giảng viên trên bảng cứ nói, học viên ở dưới chỉ có nghe, còn hiểu đến đâu, nghe được bao nhiêu thì không cần biết. Để giải quyết vấn đề này, việc học phải đi đôi với hành, trong các khóa học cần có những tình huống thực tế để nhân viên cảm thấy hứng thú và biết được họ cần làm thế nào nếu gặp phải những tình huống đó. Một khóa học chỉ gồm kiến thức lý thuyết, không có thực hành thì hiệu quả sẽ không cao, cho dù nội dung bài giảng được đầu tư kỹ càng đến mấy. 

Học quá nhiều lý thuyết mà không được thực hành khiến nhiều người khó giữ tỉnh táo trước cám dỗ mang tên “buồn ngủ”

 

Có nhiều cách để giúp học viên ghi nhớ kiến thức nhanh hơn, chẳng hạn như đưa vào bài học các tình huống thực tế thông qua kể chuyện trực tiếp hoặc cho đọc tài liệu, xem video… Tuy nhiên trong một số trường hợp, những kiến thức muốn ghi nhớ sâu thì đòi hỏi cần phải có sự tương tác. Để làm được điều này, ta cần tạo dựng các tình huống giả định và cho nhân viên tham gia trực tiếp, điều này sẽ giúp họ hình thành các kỹ năng xử lý tình huống, có hứng thú với khóa học, từ đó mang lại hiệu quả đào tạo tốt nhất.

 

4. Nội dung đào tạo không phù hợp

Một sai lầm phổ biến nữa của nhiều doanh nghiệp khi đào tạo nhân viên mới là xây dựng nội dung quá dễ, quá khó hoặc sử dụng những kiến thức đã lỗi thời. Việc này đem lại nhiều lãng phí trong công tác đào tạo nhưng lại là lỗi khá thường gặp ở các doanh nghiệp. Nếu kiến thức quá dễ, nhân viên sẽ không có hứng thú học tập, nếu kiến thức quá khó, họ sẽ không thể bắt kịp dẫn đến chán nản, còn nội dung lỗi thời đương nhiên sẽ không mang lại giá trị.

Lời giải cho bài toán này chính là trước khi lên các nội dung đào tạo, bộ phận đào tạo (L&D) cần phải tham khảo ý kiến của những người quản lý trực tiếp (trưởng nhóm, trưởng bộ phận) và của chính nhân viên về những nội dung cần thiết cho công việc cần được bổ sung kiến thức. Đó là cơ sở quan trọng để xây dựng được các chương trình đào tạo mang lại lợi ích thực sự cho nhân viên và doanh nghiệp.

Không chỉ thế, thị trường, công nghệ và những quy định, luật pháp… ngày càng biến đổi với tốc độ chóng mặt, đòi hỏi nội dung đào tạo của doanh nghiệp cần được cập nhật thường xuyên để phù hợp với xu thế. Điều này đảm bảo cho nhân viên luôn nhận được những kiến thức mới, cần thiết để xử lý công việc, đồng thời tránh được những trường hợp do thiếu hụt kiến thức dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

 

5. Không có hệ thống theo dõi và đánh giá kết quả học tập của nhân viên cũng như hiệu quả của chương trình đào tạo

Xưa nay, nhiều doanh nghiệp vẫn làm đào tạo mà không có sự đo lường về hiệu quả của các chương trình. Việc không đánh giá kết quả giống như đi dò dẫm trong bóng đêm mà không có đèn đường dẫn bước, rất dễ khiến chúng ta lạc lối. Cứ nhắm mắt đào tạo mà không quan tâm học viên tiếp thu được bao nhiêu, có nắm được kiến thức không, kỹ năng họ nhận được có hữu ích không, hay cách truyền tải có thực sự phù hợp… là một phương án chứa đầy tính may rủi. Nếu may mắn, việc đào tạo vẫn tốt và đi đúng hướng, nhưng nếu không, nó sẽ khiến bạn tốn kém rất nhiều thời gian và nguồn lực.

 

Để được chuyên gia WorkPro tư vấn miễn phí về đào tạo nhân viên mới, hãy liên hệ ngay: 

Hotline: 0246 290 1166 

Email: contact@workpro.vn