Bài giảng e-learning giúp học viên ghi nhớ hiệu quả

24/11/2021

Nhiều người làm đào tạo nội bộ phàn nàn rằng học viên của họ trở nên “lười” hơn khi học trực tuyến, học rất hay quên và đổ lỗi cho những hạn chế của hình thức học tập này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều khóa học online vẫn mang lại những kết quả rất tích cực cho người học, chỉ là người đào tạo đã biết áp dụng đúng cách hay chưa mà thôi. Bài viết này sẽ giúp bạn hình dung ra cách thiết kế bài giảng e-learning để giúp học viên ghi nhớ hiệu quả nhất dựa trên các căn cứ khoa học về não bộ.

 

Không phải tự nhiên mà có những nội dung khiến học viên nhớ rất lâu, nhưng cũng có những nội dung họ chẳng để vào đầu, chỉ học xong là quên ngay tức khắc. Theo nhiều khảo sát, mất tập trung, phải tiếp xúc với quá nhiều thông tin cùng một lúc, không tìm thấy sự tương đồng giữa nội dung bài giảng với công việc của mình cũng như lý do bản thân cần phải học… là những lý do chủ yếu khiến việc học tập trực tuyến không hiệu quả. Đây cũng là những nút thắt mà người làm đào tạo cần hóa giải để tạo nên những bài giảng trực tuyến chất lượng, giúp học viên ghi nhớ lâu. Các mẹo dưới đây chắc chắn sẽ rất có ích với bạn:

 

Tạo ấn tượng với người học/ Tạo sự khác biệt 

Giữa một khóa học có mở đầu quen thuộc theo lối mòn theo dạng giới thiệu lần lượt về tầm quan trọng của kiến thức, mục tiêu từng bài học, các mục chính của nội dung v.v… và một khóa học được mở đầu bằng một câu chuyện hay tình huống thú vị liên quan đến nội dung đào tạo thì bạn thích cái nào hơn? Thật lòng mà nói, câu trả lời có phải là phương án số 2?

 

Gây ấn tượng là cách hữu ích để giúp người học nhớ lâu kiến thức. Nguồn ảnh: Internet.

 

Theo các nghiên cứu khoa học, ấn tượng là thứ để lại dấu vết rất lâu trên vỏ não. Nếu tận dụng được quy luật này thì sẽ giúp cho người học có thể ghi nhớ thông tin nhanh và lâu hơn. Tuy nhiên, việc tạo ấn tượng trong các bài học trực tuyến hiện nay nhiều khi chưa được quan tâm đúng mức, làm “lãng phí” cơ hội ghi nhớ của học viên. Nhưng làm sao để tạo ấn tượng trong khóa học trực tuyến? Câu trả lời rất đơn giản: Ấn tượng có thể được tạo nên từ sự khác biệt.

– Đối với nội dung bài học, nếu muốn gây ấn tượng thì trước hết cần trả lời nghiêm túc các câu hỏi sau: Các thông tin quan trọng trong từng phần của bài giảng là gì? Làm sao để làm nổi bật được nội dung quan trọng nhất? Điểm nào trong bài giảng sẽ thu hút học viên? Việc này giúp bạn định hướng một cách chính xác cách mình sẽ thực hiện để đem lại hiệu quả cao nhất, thay vì cứ lan man hoặc làm theo bản năng.

– Tạo ấn tượng nhờ hình thức thiết kế: Đa số người học cho rằng họ bị thu hút, ấn tượng bởi những bài giảng E-Learning có thiết kế đẹp. Tại sao lại như vậy? Theo các nhà tâm lý học thì trí nhớ bằng mắt chiếm 80% trí nhớ của con người và nếu so sánh trí nhớ của chúng ta như một cái phễu thì hình ảnh là thứ rất khó lọt ra khỏi cái phễu này. Điều này cho thấy sử dụng hình ảnh là yếu tố thiết yếu trong quá trình xây dựng bài giảng E-Learning, một hình ảnh đôi khi có giá trị bằng mấy lần một nội dung toàn chữ. Những hình ảnh tốt, phù hợp với lĩnh vực đào tạo (như tranh ảnh, sơ đồ, mô hình…) sẽ tác động mạnh đến loại trí nhớ bằng mắt, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như thu hút nhân viên hứng thú nhiều hơn với bài học. Tuy nhiên, cũng cần chú ý sử dụng màu sắc cho hài hòa, tránh làm rối bài học; đồng thời, nên tạo khoảng trắng để thể hiện điều gì quan trọng, điều gì không quan trọng trong nội dung bài giảng.

– Ấn tượng đối với bài học cũng có thể được tạo nên nhờ các hình thức tổ chức hoạt động đa dạng, chẳng hạn như chơi trò chơi, đố vui, hỏi đáp, kể chuyện… Do đó, nên lồng ghép chúng vào từng nội dung một cách khéo léo để tạo điều kiện cho học viên được nhớ nhanh và lâu hơn.

 

Chia nhỏ các nội dung lớn

Bộ não không ghi nhớ được nhiều thứ cùng một lúc, do đó, việc nhồi nhét kiến thức sẽ làm giảm khả năng tiếp thu của người học. Từ lý do đó, có một kỹ thuật giúp ghi nhớ (xuất phát từ việc học tiếng Anh) đã ra đời, mang tên chunking. Khái niệm chunking được giới thiệu lần đầu bởi Michael Lewis trong cuốn sách “Lexical Approach” vào năm 1993, áp dụng cho việc học ngôn ngữ, nhưng sau này đã được áp dụng nhiều hơn trong cả các lĩnh vực khác. 

Hiểu một cách nôm na, chunking là quá trình nhóm các mẩu thông tin lại với nhau để tạo điều kiện nhớ tốt hơn. Thay vì nhớ từng phần đơn lẻ, các cá nhân nhớ lại toàn bộ nhóm và sau đó có thể lấy từng mục trong nhóm đó ra dễ dàng hơn. Ví dụ nhớ cả cụm “brush your teeth” dễ hơn là nhớ từng từ đơn lẻ; nhớ chuỗi số 1336-6690-5543-3247” theo chunk thì sẽ dễ hơn nhớ đơn lẻ từng số trong dãy dài 1336669055433247 (nhớ 3 cụm dễ hơn nhớ 12 cụm trong trí nhớ ngắn hạn).

Để tránh tâm lý “choáng ngợp” cho học viên bởi lượng kiến thức nhiều thì ta nên tách nội dung lớn thành những phần nhỏ. Tuy nhiên có một lưu ý là dù bạn có chia nhỏ nội dung như thế nào thì vẫn phải đảm bảo các nội dung phải liền mạch, liên kết chặt chẽ với nhau và hơn hết là người học vẫn nhận đầy đủ kiến thức mà bạn cần cung cấp. Khi chia nhỏ nội dung, cần chú ý sắp xếp một cách hợp lý theo logic, tổ chức và bố cục rõ ràng, nhất quán với nhau trong cùng một văn bản hay một câu chuyện. Đồng thời, có thể tạo các khoảng nghỉ ngơi giữa các phần nội dung nếu cần thiết (trường hợp nội dung dài) để lấy lại sự tỉnh táo và tập trung cho người học.

Tạo sự tương tác

Một thách thức rất lớn của đào tạo trực tuyến là người học thường bị mất động lực do cảm thấy cô đơn, buồn chán khi phải tự học một mình. Nhiều khóa học hiện nay vẫn còn sử dụng lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Học viên ngồi học chủ yếu tập trung vào việc nghe và ghi chép, bị động học theo những nội dung mà giảng viên truyền tải, không có sự tư duy hay trải nghiệm nên kiến thức thu nhận được ít và nhanh chóng bị lãng quên. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể được xóa bỏ nếu chúng ta tạo được sự tương tác với học viên thông qua các kỹ thuật trong thiết kế khóa học.

Đầu tiên, để đảm bảo học viên ghi chép và nắm bắt tốt, các nội dung nên xuất hiện lần lượt theo thứ tự giảng bài, không nên xuất hiện cùng lúc mà nên phân dòng hay phân đoạn thích hợp, xuất hiện theo hiệu ứng thời gian. Bên cạnh đó, cần sắp xếp hợp lý các phần nội dung và phân bổ hợp lý, bổ sung nhiều yếu tố tương tác như câu hỏi, đố vui, ví dụ, thực hành, kiểm tra… Bạn cũng có thể bố trí nhiều phần củng cố kiến thức với các câu hỏi có chấm điểm tự động và sử dụng hiệu ứng để tạo ra những nhận xét, động viên hài hước, thú vị nhằm khích lệ học viên khi xuất hiện các kết quả chấm bài. 

 

Chú trọng cá nhân hóa kiến thức

Con người thường có xu hướng chú ý lâu hơn đối với những vấn đề có liên quan trực tiếp tới công việc của mình và bỏ qua những thứ họ nghĩ rằng ít có ý nghĩa hơn. Trong đào tạo cũng vậy, những người học đều quan tâm làm sao áp dụng được những kiến thức đã học vào thực tế chứ không phải chỉ học lý thuyết suông. Ai cũng sẽ đặt câu hỏi rằng liệu khóa học/ bài học này có giúp họ giải quyết công việc nhanh hơn, đơn giản hơn? Và nếu nhanh hơn thì nhanh ở chỗ nào? Đơn giản hơn ra sao? Không chỉ thế, hiệu quả ghi nhớ cũng có thể được tăng cường thông qua hoạt động vận dụng kiến thức đã học. Chính vì thế, đưa kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân vào bài giảng càng nhiều thì cơ hội tiếp cận với người học càng lớn, thời gian giữ chân họ càng lâu. 

 

Bài giảng càng mang tính cá nhân hóa cao thì càng đem lại hiệu quả lớn. Nguồn ảnh: Internet.

 

Hãy tăng cường việc kể chuyện/ giải quyết tình huống thực tế trong chính công việc của học viên có liên quan đến nội dung bài học. Ví dụ nếu đào tạo về kỹ năng giải quyết vấn đề tại ngân hàng thì bạn hãy lấy ví dụ về cách giải quyết các vấn đề cụ thể của nhân viên trong chính ngân hàng đó chứ đừng lấy ví dụ xa xôi ở tận nhà máy nọ, xí nghiệp kia… Học viên cũng có thể được giao bài tập vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống để giải thích, giải quyết một vấn đề nào đó… Thông qua những hoạt động này, kiến thức được tái hiện và khắc sâu, ấn tượng về kiến thức sẽ trở nên rõ nét hơn rất nhiều.

Bằng cách thực sự thấu hiểu những học viên của mình qua mục tiêu mà họ hướng đến, qua những thách thức và nỗi sợ mà họ gặp phải, bạn sẽ thành công trong việc thu hút sự chú ý, từ đó cải thiện chất lượng đào tạo đáng kể.

 

Áp dụng phương pháp “thử và sai”

Bộ não của chúng ta có thể ghi nhớ, nhưng học tập tốt nhất là khi thử và sai. Khi làm sai và được sửa lại, người học sẽ có ấn tượng mạnh hơn, từ đó nhớ được lâu hơn. Đó là một chìa khóa cho quá trình học tập phức tạp.

 

Hãy khéo léo áp dụng các trò chơi để giúp học viên có cơ hội được ‘thử và sai”. Nguồn ảnh: Internet.

 

Đối với phương pháp này, những trò chơi nếu được áp dụng khéo léo sẽ có thể đem lại giá trị lớn, kể cả những trò chơi đơn giản như câu đố, hopscotch, ô chữ…. Do đó, hãy sử dụng đa dạng các trò chơi, tạo cơ hội cho học viên được bày tỏ quan điểm, nghĩ ra sáng kiến… 

 

Bộ não hiếm khi đạt được sự chuẩn xác khi học lần đầu tiên – việc học tập được hình thành qua thời gian một cách phức tạp. Sử dụng danh mục kiểm tra, dạy lẫn nhau, máy tính, đặt câu hỏi, tất cả đều là gợi ý hay về việc học tập kiểu thử và sai.

 

Làm bài kiểm tra để củng cố kiến thức/ Nhắc lại kiến thức thường xuyên

Thông tin được nạp vào não bộ của con người sẽ mất dần theo thời gian với một tốc độ rất nhanh. Nghiên cứu cho thấy nếu bạn nạp thông tin mới mà không sử dụng, trong vòng 1 tiếng đầu, chúng sẽ rơi rụng đi một nửa. Sau 24 giờ, lượng thông tin thất thoát sẽ tăng lên tới 70%. Con số sau 1 tuần là 90%, nghĩa là hầu hết thông tin bạn học được đã biến mất khỏi bộ nhớ. Phần lớn những gì chúng ta học được chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nếu không được ôn tập, củng cố lại. Điều này lý giải vì sao học viên thường nhanh quên đi những kiến thức đã học khi không ôn tập, củng cố thường xuyên. Chính vì thế, các bài tập, bài kiểm tra sau mỗi bài học là điều vô cùng cần thiết để biến trí nhớ ngắn hạn/tạm thời thành trí nhớ dài hạn, từ đó giúp học viên nhớ lâu.

Trong một báo cáo của Đại học Waterloo, các nhà khoa học viết; “Khi một thứ gì đó được lặp đi lặp lại nhiều lần, bộ não của bạn sẽ nói: ‘Ồ – nó lại được lặp lại một lần nữa, tôi nên giữ nó lại’. Khi bạn tiếp xúc với một thông tin đã được lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ mất ít thời gian hơn để ‘kích hoạt’ thông tin đó trong bộ nhớ dài hạn của bạn, và việc truy xuất thông tin đó khi cần sẽ trở nên dễ dàng hơn”.

Chính vì thế, các nhà thiết kế khóa học online có thể cân nhắc đến việc đưa các thông tin nhắc lại về bài học một cách thường xuyên cho học viên, kể cả khi khóa học đã kết thúc (chẳng hạn qua email, tin nhắn). Các hình thức có thể áp dụng như bài trắc nghiệm nhỏ, câu chuyện, tài liệu bổ sung,…

 

Để được chuyên gia WorkPro tư vấn miễn phí về thiết kế khóa học e-learning, hãy liên hệ ngay: 

Hotline: 0246.290.1166 

Email: contact@workpro.vn

Ban Số hóa nội dung

Hoàng Vân.