Phải làm gì khi bị nói xấu sau lưng?
Thật chẳng dễ chịu chút nào khi chúng ta phát hiện mình bị nói xấu sau lưng. Không ít người đã có những phản ứng bộc phát như đi “nói xấu lại” hoặc giận dữ đến chất vấn kẻ nói xấu mình. Tuy nhiên, đây đều là những hành động không khôn ngoan. Để có thể thoải mái vượt qua những lời nói xấu sau lưng, hãy cùng tham khảo những cách giải quyết sau đây nhé!
Thật bình tĩnh nhìn nhận lại bản thân
Ồ tại sao họ lại nói xấu mình nhỉ? Mình có thật sự là một kẻ xấu xa như họ nói không?
Bất kỳ lời phán xét nào dù tốt hay xấu cũng đều có nguyên nhân của nó. Có thể bạn đã cư xử quá vô tư hoặc có những hành động vô ý nào đó khiến đối phương chưa hài lòng. Mỗi người có một chuẩn mực khác nhau, đối với bạn có thể là không sao cả nhưng đối với người khác lại thật tồi tệ.
Điều đó giống như việc bạn thấy phòng của mình rất dễ chịu, bạn thích để những cuốn sách ngổn ngang trên giường, thích lúc nào sẽ đọc lúc đó. Nhưng đối với mẹ, bạn là người bừa bộn, không lúc nào biết dọn dẹp gọn gàng cả.
Hay như khi bạn tự đặt một chút đồ ăn vặt về công ty để phòng những lúc đói bị hạ đường huyết nên cũng không có ý mời mọi người. Nhưng trong mắt đồng nghiệp, bạn có thể là người ích kỷ và không biết kính trên nhường dưới.
Vậy đó, ngay cả bố mẹ cũng thường phàn nàn về chúng ta nên việc không ai có thể thực sự hài lòng về người khác là điều không thể tránh khỏi. Những lời phán xét sẽ mang tính tham khảo để bạn có thể tự nhìn nhận và đánh giá lại bản thân.
Tất nhiên, chúng ta đang sống trong tập thể nên cần biết cách hòa hợp cùng mọi người. Ta không thể để cái “tôi” của mình khiến mọi người xung quanh khó chịu. Có lẽ đã đến lúc chúng ta trưởng thành hơn và biết suy nghĩ cho người khác hơn một chút. Ta biết mẹ thích gọn gàng, tại sao không bớt chút thời gian dọn dẹp phòng một chút. Khi biết các đồng nghiệp hay để ý săm soi, sẽ chẳng tốn bao nhiêu nếu bạn mời họ vài chiếc bánh để mọi người cùng ăn cho vui. Đôi khi, chính những lời khó nghe lại có thể giúp bạn thay đổi tích cực và ngày càng hoàn thiện bản thân hơn.
Thân thiện nhưng giữ khoảng cách với kẻ nói xấu
Bạn biết không, đối với kẻ nói xấu mình, bạn không nên đi trả đũa lại họ hoặc tỏ thái độ hằn học khó chịu, điều đó chỉ khiến họ càng có cớ để nói xấu họ thêm thôi. Thậm chí, họ còn nói xấu vì họ ghen tỵ với bạn nên dù bạn có lờ họ đi thì họ vẫn tiếp tục bôi xấu thôi.
Cách tốt nhất là hãy đối xử tốt với họ hơn. Khi bạn càng giữ thái độ thân thiện và tốt với họ hơn, họ sẽ càng thấy xấu hổ vì đã đi nói xấu bạn. Thậm chí những người xung quanh khi thấy bạn luôn đối xử tốt với người đó mà người đó lại đi nói xấu bạn thì chính họ mới là kẻ bị những đồng nghiệp xung quanh đánh giá thấp.
Tuy nhiên, thân thiện nhưng không có nghĩa là thân thiết. Bạn luôn cần giữ một khoảng cách nhất định với người đó. Đừng bao giờ kể những chuyện riêng tư cho họ nghe, bởi nó rất có thể sẽ thành đề tài để họ đơm đặt những câu chuyện không hay đấy!
Chứng minh bản thân trong sạch
Nếu kẻ nói xấu đã tự dựng chuyện và đặt những điều không đúng sự thật lên chúng ta thì sao? Liệu ta có nên thẳng thắn vạch mặt kẻ đó và chứng minh ta hoàn toàn trong sạch? Tất nhiên là có chứ, nhưng sẽ cần thêm một chút khéo léo. Ví dụ:
Có một đồng nghiệp của tôi đã bị đơm đặt điều tiếng thế này: “Cô ta không phải người tốt đẹp gì đâu, kiểu người thích dựa dẫm vào đàn ông để trèo cao đấy. Hôm trước tôi thấy cô ta cố tình ở lại muộn với sếp mà.” Trong khi sự thật là sáng hôm sau có một cuộc họp gấp buộc cô phải tăng ca để chuẩn bị tài liệu cùng sếp.
Khi nghe lại lời đồn từ một đàn em thân thiết, cô đã vô cùng phẫn nộ và chỉ muốn đứng ngay trước mặt kẻ đặt điều để phân rõ phải trái. Nhưng sau đó, cô đã bình tĩnh lại và tìm cách giải quyết khôn ngoan hơn nhằm không mất đoàn kết trong nội bộ.
Hôm sau, trong bữa ăn trưa cùng team, cô đã nửa đùa nửa thật nói: “Dạo này công việc áp lực quá, người yêu em cứ hay than phiền em về trễ. Hôm trước có cuộc họp gấp, sếp còn bắt em ở lại chuẩn bị tài liệu tới muộn. Sếp cũng định nhờ cả chị Hiền ở lại giúp đấy, nhưng em thấy chị có con nhỏ nên bảo thôi để mình em lại cũng được”.
Khi nghe những lời này, chị Hiền – người đưa lời đơm đặt – đã không khỏi giật mình. Chị ta xấu hổ nhìn những đồng nghiệp xung quanh rồi vội cảm ơn cô vì đã đỡ đần công việc giúp mình. Cách giải quyết của cô vừa thể hiện với toàn team rằng mình là “hoa đã có chủ” nên không cần “trèo cao” gì cả, đồng thời tự chứng minh sự minh bạch trong công việc và nhắc khéo chị Hiền rằng cô đã biết cả. Đây có thể được coi là một trong những cách giải quyết thông minh và đáng để học hỏi: tìm một cơ hội thoải mái (có thể trong các bữa ăn) có đủ các đồng nghiệp, khéo léo đề cập tới những lời bóng gió sau lưng và đưa sự thật ra ánh sáng. Đừng quên tìm kiếm cho mình một vài đồng mình luôn bảo vệ, tin tường và đứng về phía mình nhé!
Trong cuộc sống, không tránh khỏi những lúc chúng ta bị nói xấu sau lưng. Nhưng đừng lấy làm phiền muộn, bạn hãy thật bình tĩnh đánh giá lại bản thân, cử xử phải phép với kẻ nói xấu và chứng minh sự trong sạch của bản thân một cách khôn ngoan nhé!
Ban đào tạo WorkPro.
Hachi