Những tình huống “khó xử” nơi công sở cần tránh!

06/06/2022

Đối với dân công sở, công ty chính là ngôi nhà thứ hai của chúng ta. Một ngày ta dành trung bình 10 tiếng tại văn phòng, tương đương với việc trừ thời gian ngủ ra, ta thậm chí dành thời gian bên đồng nghiệp còn nhiều hơn cho gia đình. Do vậy, không ai có thể tránh khỏi những tình huống “khó xử” trong quá trình làm việc. Chúng tôi đã tổng hợp ra 4 tình huống cần tránh nhất giúp bạn không vướng phải những thị phi không đáng có sau đây:

Nảy sinh tình cảm chốn công sở

“Cơm thầy, vợ bạn, gái cơ quan”- chắc hẳn bạn đã từng nghe đến câu nói về những điều cần tránh này. Không phải ngẫu nhiên khi “gái cơ quan” được đưa vào danh mục những điều cần tránh, thậm chí nhiều công ty còn đưa ra quy định nhân viên không được hẹn hò với nhau. Lý do chính là việc phát sinh tình cảm giữa các nhân viên sẽ mang lại một số tác động tiêu cực như: giảm khả năng tập trung làm việc, dễ dẫn đến thiên vị, bao che lỗi lầm… Đặc biệt với quan hệ cấp trên cấp dưới, việc phát sinh tình cảm dễ dẫn tới những lời bàn tán tiêu cực của các nhân viên khác.

Nảy sinh tình cảm chốn công sở gây nên một số tác động tiêu cực

Thực tế, việc nảy sinh tình cảm chốn công sở rất dễ xảy ra khi các nhân viên có nhiều cơ hội tiếp xúc và hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, nếu bạn rơi vào tình huống này, lời khuyên của chúng tôi là hãy biết tiết chế tình cảm, không thể hiện cảm xúc quá lộ liễu và tách bạch giữa công việc và tình cảm. Nếu không thể làm được những điều trên, hãy cân nhắc tới chuyện chuyển việc!

Nói xấu sau lưng

Đây có thể được xem là tình huống khó xử thường xuyên xảy ra nhất trong môi trường công sở. Và còn tồi tệ hơn nếu bạn bị bắt quả tang ngay tại trận khi đang nói xấu ai đó. Tất nhiên, ai cũng hiểu được nguyên tắc không nói xấu đồng nghiệp. Tuy nhiên, có đôi lúc những bức xúc đã vượt quá khả năng kiểm soát, khiến bạn không tài nào ngăn cản mình bộc lộ hết với một ai đó. Không nói ra được thì khó chịu, mà nói ra lại sợ mang tiếng đi nói xấu người khác. Vậy phải làm sao?

Nói xấu sau lưng là tình huống khó xử nên tránh

Câu trả lời là: Hãy nói những điều mà ngay cả trước mặt người đó bạn cũng dám nói ra! Để sau đó, dù có bị phát hiện rằng đã nói xấu sau lưng, bạn cũng có thể thẳng thắn thừa nhận, xin lỗi và nhận xét lại một lần nữa: “Xin lỗi vì đã nhận xét khi không có mặt anh ở đó, nhưng thực sự có điểm này tôi nghĩ nếu anh cải thiện được thì sẽ tốt hơn rất nhiều…”. Còn những điều mà bạn không dám nói trước mặt người đó thì đừng bao giờ nói ra, bởi đôi khi đó là những nhận xét chủ quan, không chính xác – do cảm xúc bộc phát nhất thời tác động.

Cãi vã to tiếng trong giờ làm việc

Dù khi nói chuyện với đồng nghiệp hay với khách hàng, thì việc bạn không kiềm chế được cảm xúc và cãi vã to tiếng cũng là một điều không nên. Thậm chí còn tồi tệ hơn nữa khi bạn mất bình tĩnh đến mức tuôn ra những lời lẽ “chợ búa” mất lịch sự… Trong mắt đồng nghiệp, dù bạn đúng hay sai thì hình ảnh thô lỗ của bạn cũng đã bị xuống cấp thảm hại.

Cãi vã to tiếng khiến bạn bị đánh giá thô lỗ trong mắt đồng nghiệp

Vì vậy, hãy luôn chú ý hít thở thật sâu để giữ bình tĩnh. Còn nếu không may rơi vào tình huống trên, hãy chân thành xin lỗi mọi người xung quanh. Đừng cố giải thích về cơn nóng giận của bạn. Thay vào đó, sự thành khẩn nhận lỗi sẽ cứu vớt được ít nhiều hình ảnh cá nhân đó!

Đùa giỡn kém duyên

“Dạo này nhìn Quỳnh trông như chửa 3 tháng ấy nhỉ? Haha” – Lời trêu đùa một cô đồng nghiệp đợt này hơi tăng cân nhưng lại khiến cô tức giận trong lòng vì quá vô duyên.

“Mặt mụn thế này có người yêu chưa em?” – Câu hỏi vui với một đồng nghiệp mặt có mụn nhưng lại khiến bạn ấy ủ rũ chán chường vì đã dùng biết bao phương pháp cũng chưa chữa khỏi mụn.

“Ra ngoài mặc thêm áo vào, không người ta lại tưởng ở đây nuôi chân dài” – Câu nói vui với một cô đồng nghiệp hôm nay mặc chiếc áo hơi trễ vai khiến cô đỏ mặt xấu hổ.

Những câu bông đùa kia tưởng là vui, nhưng thực ra lại gây tổn thương rất lớn đối với người nghe. Không ai muốn những khuyết điểm của mình bị mang ra làm trò cười và cũng chẳng có ai muốn bị đem ra so sánh với những điều ví von không hay cả. Tất cả đều là những lời đùa giỡn kém duyên không nên nói ra. 

Có không ít người đã buộc phải thôi việc không phải vì áp lực công việc mà vì chính những lời trêu ghẹo mỉa mai. Có không ít cô gái phải vào nhà vệ sinh khóc nức nở vì những câu trêu đùa quá đáng. Vì vậy, đừng bao giờ để những lời nói gió bay để lại những vết sẹo tâm hồn không bao giờ mất.

Trên đây là 4 tình huống nhất định cần tránh trong môi trường công sở: Nảy sinh tình cảm, nói xấu sau lưng, cãi vã to tiếng và đùa giỡn kém duyên. Chúng tôi tin rằng, sau khi đã đọc bài viết này, bạn đã nắm được phần nào những ảnh hưởng tiêu cực của những tình huống trên tới các đồng nghiệp nói riêng và tới hiệu quả làm việc nói chung. Vậy nên, đừng bao giờ để bản thân rơi vào 4 tình huống trên nhé! 

Ban Đào tạo WorkPro.

Hachi.