Đặt mục tiêu trong công việc – càng chi tiết càng tốt!
Nếu muốn thành công trong công việc bạn nhất định phải thiết lập được mục tiêu cho bản thân và cố gắng đạt được mục tiêu này bằng mọi giá! Tuy nhiên, nếu bạn chưa biết cách đặt mục tiêu hoặc chỉ biết cách đặt ra một mục tiêu mơ hồ chung chung thì việc này sẽ trở nên vô nghĩa. Vì vậy, lời khuyên của chúng tôi chính là: Đặt mục tiêu – càng cụ thể càng tốt! Sau đây, hãy cùng WorkPro tham khảo những nguyên tắc đặt mục tiêu sao cho thật chi tiết và dễ hành động nhất nhé!
Vì sao phải mục tiêu phải thật chi tiết?
Hãy thử lấy một ví dụ khi bạn là nhân viên mới và tự đặt một mục tiêu cho mình là: “Cố gắng thăng tiến trong công ty”. Sau đó, bạn mải miết chạy theo những deadline và công việc bận rộn, bạn không hẳn là quên đi mục tiêu của mình nhưng chỉ tự nghĩ thôi cái gì cũng phải từ từ, dần dần rồi cố gắng. Một năm, hai năm rồi vài năm qua đi, mục tiêu ban đầu vẫn cứ chỉ là mục tiêu. Vì sao vậy?

Mục tiêu cần càng cụ thể càng tốt
Vì đây là một mục tiêu chưa cụ thể. Thay vì mục tiêu chung chung kia, nếu ngay từ đầu, bạn đặt ra mục tiêu chi tiết hơn thì bạn đã có định hướng và động lực rõ ràng hơn rất nhiều. Một mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn có định hướng rõ ràng, thúc đẩy khiến bạn có động lực hoàn thành mục tiêu và giúp bạn không đi chệch hướng. Bạn sẽ biết trước mình cần đạt được gì trong một năm tới để nỗ lực hơn. Bạn sẽ không sa đà mải miết chạy theo những deadline mà còn dành thời gian để trau dồi thêm kiến thức và thắt chặt những mối quan hệ cần thiết. Bạn tự chịu áp lực bởi chính bản thân khi phải hoàn thành mục tiêu trong thời gian giới hạn và chính áp lực đó sẽ biến thành động lực để bạn đạt được thành quả xứng đáng.
Vì vậy, chúng ta phải ghi nhớ những nguyên tắc để đặt mục tiêu sao cho thật cụ thể sau đây:
Nguyên tắc để đặt ra một mục tiêu thật cụ thể – nguyên tắc SMART

Đặt mục tiêu SMART
Một trong những nguyên tắc thông minh để thiết lập mục tiêu là nguyên tắc SMART với 5 yếu tố:
- Specific (cụ thể): Mục tiêu phải cụ thể, chính xác và có định hướng rõ ràng
- Measurable (đo lường): Mục tiêu có thể đo lường bằng những con số định lượng chứ không phải những từ ngữ chung chung
- Achievable (khả thi): Cùng với các nguồn lực đã có, mục tiêu được đánh giá có tính khả thi và có thể hoàn thành
- Relevant (liên quan): Mục tiêu có sự kết nối với các mục tiêu lớn khác để tạo nên một bức tranh tổng thể
- Time bound (giới hạn thời gian): Mục tiêu phải có thời hạn chính xác để tạo cam kết và áp lực hoàn thành mục tiêu
Quay trở lại ví dụ ở đầu bài, thay vì đặt một mục tiêu chung chung như: “Cố gắng thăng tiến trong công ty”, bạn hãy thử đặt một một tiêu chi tiết hơn như sau:
- S- Cụ thể: Trở thành trưởng nhóm kinh doanh 02
- M- Đo lường: Với ít nhất 3 thành viên trong nhóm
- A- Khả thi: Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực đang làm cùng những kỹ năng được trau dồi qua khóa học kỹ năng quản lý, mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được
- R- Liên quan: Đây là bước đầu trong mục tiêu dài hạn trở thành trưởng phòng kinh doanh trong 5 năm tới
- T- Thời gian: Mục tiêu cần hoàn thành trước ngày 20/12/2023 – ngày đánh giá nhân sự hàng năm của công ty
So sánh hai mục tiêu, rõ ràng sau khi phân tích qua SMART, bạn sẽ thấy mục tiêu của mình có định hướng và cam kết hơn rất nhiều. Dựa vào mục tiêu này, bạn có thể tiếp tục triển khai các kế hoạch phát triển bản thân và các mối quan hệ cần thiết, hướng tới đích đến trở thành trưởng nhóm kinh doanh 02.

Nguyên tắc SMART giúp mục tiêu chi tiết và rõ ràng hơn
Cách phân tích mục tiêu theo nguyên tắc SMART không những có thể ứng dụng trong việc phát triển các mục tiêu cá nhân mà còn ứng dụng rất cao trong các mục tiêu công việc. Ví dụ, mục tiêu: Phát triển mở rộng quy mô kinh doanh như sau:
- S- Cụ thể: Khai trương cửa hàng mới khu vực miền Trung và miền Nam
- M- Đo lường: Mở mới 1 cửa hàng tại Đà Nẵng và 2 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh
- A- Khả thi: Sau khi phân tích thị trường Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cùng kinh nghiệm kinh doanh tại Hà Nội, mục tiêu có thể hoàn thành
- R- Liên quan: Mở rộng quy mô phát triển toàn quốc
- T- Thời gian: Mục tiêu cần hoàn thành trước ngày 1/6/2024
Với cách phân tích mục tiêu qua SMART, bất kỳ mục tiêu nào cũng trở nên chi tiết và có động lực để hoàn thành hơn.
Đặt mục tiêu trong công việc là một kỹ năng không hề khó nhưng không phải ai cũng làm được. Mục tiêu đặt ra nhưng bạn không cam kết bản thân thực hiện thì dù mục tiêu có tốt, có chi tiết đến đâu cũng vô ích. Vì vậy, sau khi đặt ra mục tiêu một mục tiêu SMART, bạn cũng nên làm tiếp các bước sau đây:
- Viết mục tiêu ra giấy, đặt mục tiêu ở nơi bạn thường thấy nhất
- Chia sẻ mục tiêu với đồng nghiệp, bạn bè, người thân
- Lập kế hoạch hành động theo từng tuần, từng tháng bám sát mục tiêu
Chúng tôi hy vọng rằng những chia sẻ trên sẽ giúp ích phần nào trong việc tạo động lực giúp bạn hoàn thành mục tiêu của mình. Chúc bạn luôn kiên trì và vững tin theo mục tiêu đã có!
Ban đào tạo WorkPro
Hachi.